Đường vào chuyên nghiệp Thanh Tuấn

Khi Thanh Liêm tương đối vững vàng về ca ngâm, anh hỏi ý kiến hai thầy đờn là anh có thể theo gánh hát được chưa? Hai thầy đểu có một "đáp án" là về ca ngâm Tài tử thì anh đã khá, nhưng ca Cải lương cần phải rèn thêm kỹ thuật biểu cảm theo sân khấu, tức là theo vai diễn từng nhân vật.

Vâng lời thầy, Thanh Liêm nhiều đêm nép mình ở các rạp hát để xem những nghệ sĩ đàn anh ca diễn mà học gián tiếp cái hay của mỗi người một nét, nhận biết tính cách nhân vật, thế nào là hỉ, nộ, ái, ố... Về nhà, Thanh Liêm vào phòng riêng, đóng cửa lại rồi tự tập ca diễn, hết vai này đến vai khác, rồi ngồi suy nghĩ, so sánh cách ca diễn của từng nghệ sĩ mà anh học lén. Anh nghĩ: tuy học lén nhưng đừng để cho ai biết là mình đã học, biến cái học được thành cái mới và khác, không giống nét của người mình đã học. Từ ý tưởng đó, Thanh Liêm định giọng cho mình phải có cách ca riêng không giống bất cứ một làn hơi chất giọng nào, dù chỉ là na ná... Ban đầu, anh cố né hơi giọng hay cách vô vọng cổ, xuống "hò" ra "xề", nếu không giống Út Trà Ôn, Thành Được hay Hữu Phước thì lại có bóng dáng của Minh Cảnh hoặc của một nghệ sĩ đàn anh khác và ngược lại. Một thời gian khổ luyện, Thanh Liêm đã thành công phong cách nghệ thuật ca ngâm mới, anh tách khỏi mọi ảnh hưởng ca ngâm khác (sẽ nói kỹ ở phần sau).

Khi Thanh Liêm cảm thấy mình tương đối vững vàng, anh xin phép hai sư phụ "hạ san hành đạo"... Đầu tiên, Thanh Liêm xin đầu quân vào gánh Cải lương Bạch Liên Hoa của bầu hề Ty (cuối năm 1965); ban đầu, anh chỉ được ca sa lon trước khi mở màn (thử nghề). Lúc này NS Thanh Liêm (trùng tên) đang hát chánh nên Nguyễn Thanh Liêm phải "né", anh đổi nghệ danh là Hoài Trúc Linh và chỉ một tháng sau bầu cho anh hát vai chánh Nguyễn Hoàng Minh trong vở "Tướng cướp Bạch Hải Đường" (TG: Nguyễn Huỳnh). Vì "một rừng không thể hai cọp" nên Hoài Trúc Linh qua hát cho Thủ Đô Hương Hoa Lan, lúc thì hát kép nhì, lúc thì kép chánh; sau đó anh qua gánh Dạ Kim Đô của bầu Hoàng Yến hát kép chánh...